Rùng mình công nghệ tái chế nilon ở “làng xay rác lớn nhất Việt Nam”

Chỉ trong tích tắc, từ đám rác bẩn thỉu, hôi hám, qua một dây chuyền thô sơ, cáu bẩn, rác nilon được “đầu thai” sang một hình hài mới là những hạt nhựa cỡ bằng hạt đậu xanh.

Ám ảnh khu xưởng như những bãi rác tổng hợp

Để có thể tận mắt nhìn thấy quy trình “hô biến” rác thải bẩn thỉu thành các hạt nhựa đủ màu sắc quay đầu tái chế tại thôn Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên), PV Dân trí đã vào vai các thương lái tới tìm đối tác làm ăn.

Có lúc chúng tôi giới thiệu mình là người làm trong ngành may, mỗi tháng có khoảng vài chục tấn nilon bóng may (nilon bọc hàng may), ống chỉ… Có khi chúng tôi lại nói mình là quản lý của một số công ty môi trường, mỗi tháng có hàng chục tấn bóng phế (nilon từ bãi rác) cần bán.

Làng Khoai có hơn 20 năm làm nghề thu mua phế liệu, sơ chế, tái chế nhựa, nilon. Các chuyên gia môi trường thường gọi đây là “thủ phủ tái chế”, ngôi làng tái chế rác thải nhựa, nilon “lớn nhất Việt Nam”.

Xưởng đầu tiên mà chúng tôi tìm đến của một phụ nữ trẻ tên H.. Xưởng của H. nằm trong sân ngôi nhà cao tầng quanh năm cửa đóng kín mít, rác nilon ngập lối ra vào, tràn lên bậu cửa.

H. bảo gia đình mình xây nhà to đẹp đã lâu nhưng lúc nào cũng phải đóng cửa vì mùi nhựa khét lẹt, khói đen, bụi bẩn từ xưởng lúc nào cũng chực chờ “xộc” thẳng vào nhà.

Rác nilon lấy trực tiếp từ bao tải dứa tuồn vào máy.

Sau khi xem tỉ mỉ số hàng, H. ra giá 15.000 đồng/kg cho loại hàng bóng may. Người phụ nữ này lý giải, hiện giá hàng zin (nhựa nguyên sinh) xuống thấp nên giá hàng phế cũng bị kéo theo.

Thời gian trước, chị sẵn sàng mua loại hàng này “giá 17” (17.000-18.000 đồng/kg). Chúng tôi chỉ cần cho xe đổ hàng trước cửa nhà H. thì điện thoại sẽ “nảy số” (tiền được chuyển vào tài khoản – PV).

Rác được giặt rửa nhanh qua một đoạn máng nhỏ.

Quá trình giao dịch, chúng tôi có dịp đi sâu vào phía trong khu xưởng. Xưởng bịt mái tôn phía trên, để hở một khe sáng và bật điện suốt ngày đêm nhưng lúc nào cũng ở trong trạng thái lờ mờ vì khói.

Trong xưởng chất đầy bao tải chứa rác nilon các loại đủ màu sắc. Không gian chật chội, công nhân phải lách qua đống rác để di chuyển.

Hai công nhân luôn tay làm việc. Người phụ nữ mặc chiếc áo chống nắng, đeo găng tay và đi ủng bốc nilon đẩy vào cửa máy xay. Rác nilon được xé nhỏ rồi xả ra một chiếc máng dài cỡ vài ba mét. Chị này liên tục cào, đảo rác cho máy hoạt động không ngừng nghỉ.

Công nhân liên tục cào rác để tránh tắc nghẽn.

Qua mấy trục tuabin quay trộn rửa tại máng nước đen kịt, các mảnh nilon lại được đẩy tiếp vào máy để đun thành những khối sền sệt, nóng rẫy chảy trực tiếp xuống nền đất. Tùy vào đầu rác máy “ăn” mà khối nhựa có màu đen kịt như bùn hay trắng đục lờ nhờ, xanh, đỏ hoặc vàng…

Nước giặt rửa tại các xưởng luôn đục ngầu, hôi hám.

Một thợ quật sẽ có nhiệm vụ lấy xẻng xúc những khối nhựa nóng chảy cho vào máy tạo. Khối nhựa lập tức được kéo sợi, ngâm trong bồn nước lạnh rồi chạy qua máy cắt thành từng hạt nhỏ.

Nilon sau khi “giặt” nhanh sẽ được nung chảy, thợ quật dùng xẻng xúc khối nhựa cho vào máy để tạo hạt.

Chỉ trong tích tắc, từ đám rác bẩn thỉu, hôi hám, nilon được “đầu thai” sang một hình hài mới là những hạt nhựa cỡ bằng hạt đậu xanh.

Khi chúng tôi hỏi về hàng nilon bãi rác, H. từ chối mua bởi lý do đã không nhập mặt hàng này từ lâu vì “thối không chịu được”. Tuy nhiên, trong làng Khoai, nhiều hộ vẫn nhập chúng vì giá rẻ.

Rác nilon với một hình hài mới.

Chủ một xưởng khác tên Th. thì đồng ý mua nilon bãi rác với điều kiện được xem trực tiếp và đảm bảo số lượng hàng ổn định hàng tháng.

Th. cho biết: “Túi bóng phế giá thường không vượt quá 4.000 – 5.000 đồng/kg. Hàng này làm rất thối nhưng nếu chịu khó thì cũng có tiền. Loại này tạo ra hạt HD đen thường tái chế thành nilon đựng rác, giá bán khoảng 14.000 đồng/kg. Hôm vừa rồi tôi mới đi xem hàng ở Sóc Sơn, Hà Nội nhưng vì hàng ướt quá nên không nhập”.

Rùng mình “công nghệ” tái chế nilon ở làng xay rác lớn nhất Việt Nam

Rời xưởng của Th., chúng tôi đến xưởng của người phụ nữ tên C. – nơi đang xay hàng chục bao tải nilon phế liệu dùng trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngay từ đoạn đường vào, nước thải bẩn thỉu đã chảy lênh láng quanh đường đi. Khói, bụi quyện lại, hòa lẫn mùi vừa khét vừa hắc, mùi hôi thối từ những chiếc nilon khiến chúng tôi bịt miệng chạy ra ngoài nôn ọe.

Rác nilon sinh hoạt được tận dụng làm hạt nhựa.

Vì bẩn hơn các loại “hàng khô” nên xưởng này huy động tới 6 nhân công làm việc. Một phụ nữ lớn tuổi và một thanh niên trẻ nhặt sơ rác trước khi đẩy vào cửa máy nghiền.

Họ nhặt những mẩu rau thối, dùng kéo cắt những túi nilon còn ướt và giũ giũ lên cao để xả hết các loại đất cát hay rác không phải là nhựa. Trên cửa máy nghiền, một người không đeo khẩu trang vất vả ôm rác bỏ vào phễu nghiền. Rác lại chạy qua đoạn máng và những chiếc máy cáu bẩn để tạo ra hạt nhựa.

Tùy vào màu sắc rác nilon mà khối nhựa có màu sắc tương ứng: Đen, trắng, xanh, đỏ, vàng…

Một số công nhân thậm chí không đeo khẩu trang, miệng ngậm thuốc lá phì phèo. Gần đó, một người đàn ông vừa ngồi uống nước chè vừa giám sát nhân công giữa bầu không khí không khác gì ở bãi rác tập trung. Từ nóc của khu xưởng này, một ống khói đen kịt xả thẳng lên trời.

Chủ các xưởng cho biết, họ thường nhặt riêng nilon màu và nilon trắng để tạo hạt vì hạt nhựa trắng thường có giá cao hơn. Có hai kiểu dây chuyền tạo hạt nhựa: Tạo nước và tạo khô. Tạo nước được thực hiện theo quy trình như trên. Còn tạo khô đơn giản hơn, nilon rác được cho vào máy để nung chảy rồi đem đi kéo sợi.

Máy móc cáu bẩn, han gỉ.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, giá rác thải nilon và hạt nhựa tạo ra rất đa dạng. Hàng bãi rác thường có giá từ 3.000 – 5.000 đồng/kg, khi tạo ra hạt nhựa có giá khoảng 14.000-15.000 đồng/kg hạt.

Các loại rác nilon, bao tải dứa, chai lọ nhựa, khay hàng có giá từ 12.000 – 17.000/đồng. Khi tạo ra hạt nhựa thường có giá trên 20.000 đồng/kg hạt.

Như vậy, chỉ qua một quy trình nung chảy thô sơ, bẩn thỉu, với mỗi cân rác, chủ xưởng tạo hạt đã có thể ăn chênh trên dưới 10.000 đồng. Trong khi đó, mỗi tháng, số rác mà mỗi hộ nhập vào và nung chảy có thể lên tới hàng chục tấn.

Hạt nhựa bẩn dùng làm gì?

Chính H., Th. và nhiều chủ xưởng đều thừa nhận, từ những hạt nhựa đủ màu sắc được tạo từ rác thải, họ đem bán cho người làng thổi túi, làm đồ dùng nhựa và xuất đi các nơi.

Khi chúng tôi nói muốn mua hạt về thổi túi, chủ một xưởng “xay” rác nilon ở làng Khoai khẳng định chắc nịch: “Em bán cho dân làng này thổi túi suốt. Anh không tin cứ nhập một ít về thổi thử”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặt hàng phổ biến nhất tại làng Khoai chính là các loại túi nilon dùng trong sinh hoạt hàng ngày: Túi nilon trắng, xanh, vàng, đen, đỏ dùng đi chợ, đựng và bọc thực phẩm, đựng rác…

Xưởng “thổi bóng” mọc lên như nấm ở làng Khoai. Bên cạnh các xưởng thổi túi từ hạt nhựa nguyên sinh thì còn rất nhiều xưởng thổi túi từ nhựa tái chế như vậy.

Tùy theo màu sắc, “bí quyết”, cách thức pha màu, hạt nhựa sẽ cho ra những loại túi nilon khác nhau.

Có gia đình sở hữu dây chuyền kép bao gồm cả máy tạo hạt, máy thổi túi, làm đồ nhựa. Có gia đình mẹ tạo hạt cho con thổi túi nhưng cũng có hộ chỉ chuyên môn hóa vào một việc.

“Mua hạt nhựa sứ trắng giá 23.000 đồng, đem về thổi túi thì bán được khoảng 35.000 đồng/kg-40.000 đồng/kg”, một chủ xưởng tên Th. nói.

Như vậy, vẫn là rác nilon, rác thải nhựa, nhưng qua một quy trình nữa, rác lại được tăng thêm giá trị khoảng 10.000 đồng/kg.

Các xưởng thổi túi ở làng Khoai hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Chúng tôi nhẩm tính, nếu hàng loại đẹp, trắng như bóng may mà chúng tôi bán, qua vài vòng sơ chế, từ giá 15.000 đồng/kg, nếu qua tạo hạt, đem thổi túi bóng đã có thể bán được khoảng 35.000 – 40.000 đồng/kg, ăn lãi cao nhất tới 20.000 đồng/kg.

Ông Phùng Văn Minh, Trưởng thôn Minh Khai thừa nhận, hiện nhiều xưởng không có vốn nên vẫn làm những mặt hàng gia công, tái chế bẩn. Vào các xưởng này đương nhiên sẽ có mùi và thấy không được sạch sẽ.

Dàn máy liên hợp từ thổi, cắt, dập hoạt động nhịp nhàng.

Ông Minh kể bản thân từng cùng lãnh đạo địa phương tiếp đón nhiều chuyên gia môi trường về làng Khoai tìm giải pháp tháo gỡ cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Các vị chuyên gia nước ngoài khi đến làng Khoai đã vô cùng ngạc nhiên trước quy trình tái chế thô sơ tại đây.

“Họ chia sẻ, ở nước ngoài, hạt nhựa tái chế thường đắt hơn nhựa nguyên sinh vì việc tái chế phải được thực hiện bởi một quy trình khắt khe, dây chuyền và công nghệ tiên tiến, đảm bảo hạt nhựa tạo ra phải sạch, không làm ảnh hưởng tới môi trường. Trong khi đó, hạt nhựa tái chế ở nước ta thì rẻ, rẻ hơn cả hạt nguyên sinh”, ông Minh nói.

Những chiếc túi nilon từ làng Khoai được xuất đi khắp nơi.

Có đi sâu tìm hiểu mới thấy lợi ích kinh tế siêu khủng và sự “tài tình” của không ít tỷ phú làng Khoai. Chỉ với quy trình thô sơ, bẩn thỉu, với những chiếc máy cáu bẩn, nhiều người đã hô biến núi nilon từ bãi rác dân sinh, rác của các công ty điện tử, may mặc, rác nilon có nguồn gốc từ ngoài… thành những chiếc túi nilon mới tinh và vô số những sản phẩm đồ nhựa, hộp nhựa.

Hoạt động sản xuất ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy hại với sức khỏe con người. Những sản phẩm túi nilon làm từ rác rưởi sau đó lại quay vòng, trở lại phục vụ đời sống, phục vụ mọi nhu cầu từ đựng thức ăn, hàng hóa, đi chợ…. Tuy nhiên với những sản phẩm có “chất lượng” như vậy, liệu sức khỏe người dùng có được đảm bảo?

Quy trình mất vệ sinh, khó đảm bảo an toàn

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng thư ký Đối tác hành động về Nhựa và và Sức khỏe (PHA) cho biết: “Nhìn vào quy trình tái chế với những máy móc và công nghệ ở làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên có thể thấy rất mất vệ sinh. Quy trình này sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của những lao động làm việc trong xưởng sản xuất”.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng thư ký Đối tác hành động về Nhựa và và Sức khỏe (PHA).

Đặc biệt, vị chuyên gia này cho rằng, quy trình sản xuất như trên chưa hợp vệ sinh từ đầu vào cho đến đầu ra là các hạt nhựa tái chế. Các sản phẩm làm ra vì thế có thể không đủ an toàn để đựng thực phẩm, nhất là thực phẩm chín. Chưa kể chúng ta không rõ họ dùng các hóa chất gì để tạo màu và hay phụ gia gì để sản xuất ra các sản phẩm này.

Đó là chưa kể nước thải thải ra từ quá trình giặt, rửa rác nilon bẩn, liệu có được xử lý đúng quy định? Lượng nước này sẽ được xả đi đâu? Nếu nước không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường thì chắc chắn sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, kể cả nước mặt và nước ngầm.

“Nhìn chung làng nghề sẽ bị ô nhiễm từ chính rác thải nhựa họ mua về để tái chế, kế đến là ô nhiễm không khí và cuối cùng là nước thải nếu nước này không qua xử lý.

Rác, túi nilon mà làng đang tái chế là loại nhựa giá trị thấp. Nhiều công ty tái chế lớn từ chối loại nhựa này vì khó tái chế nếu làm theo quy trình chuẩn để ra được nhựa tái chế sạch và có giá trị kinh tế”, ông Vinh nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, nhờ tái chế mà kinh tế của nhiều hộ gia đình trong làng đi lên. Tuy nhiên, cần có hỗ trợ từ phía Chính phủ, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học để tìm ra giải pháp giúp làng nghề vẫn tồn tại nhưng tạo ra được các sản phẩm tái chế sạch”.

Nội dung: Hồng Anh – Khôi Vũ

Nguồn: Dân trí

28/11/2022

28 Tháng mười một, 2022
28 Tháng mười một, 2022
# Từ khóa
Tìm kiếm

Bạn cần tìm sản phẩm?

Mời Bạn ghé thăm trang sản phẩm của ThangLongPro.vn
Tin tức - ThangLongPro.vn

© 2015 - . Toàn bộ bản quyền thuộc ThangLongPro.vn